GuidePedia

0

Tin nhanh - Tại Việt Nam, hiện nay vẫn còn hơn 90 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày và 50 trẻ trong số này tử vong trong 28 ngày đầu đời.

Tình trạng này còn tệ hơn ở khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa khó tiếp cận. Trẻ em dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong trước sinh nhật thứ năm của các em cao gấp 3 lần so với trẻ em dân tộc Kinh.

Thông tin trên được ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi ​đồng Liên hợp quốc 
(UNICEF) Việt Nam đưa ra tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UNICEF và công ty đa quốc gia Johnson & Johnson diễn ra sáng 9/12, tại Hà Nội.

Thỏa thuận hợp tác nhằm cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt tập trung vào các bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhất.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo thông tin từ UNICEF, Việt Nam đã đạt được các tiến bộ to lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em trong các thập kỷ qua. Tử vong bà mẹ và trẻ em đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2014. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 18.000 trẻ sơ sinh tử vong hàng năm ở Việt Nam.

Các hoạt động trong hợp tác trên sẽ hỗ trợ ​Bộ Y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em thông qua việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở bốn tỉnh khó khăn của Việt Nam là Điện Biên, Lào Cai, Kon Tum, Gia Lai.​

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, bên cạnh những hành tựu, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là sự khác biệt lớn về tình trang sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền; Tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo các kết quả điều tra gần đây của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong sơ sinh đang chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Trong số tử vong sơ sinh, có đến 85% ca tử vong xảy ra trong vòng 7 ngày đầu sau đẻ.

Theo ông Tiến, các số liệu trên khẳng định một thực tế Việt ​Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là trong 7 ngày đầu sau đẻ nhằm bảo đảm cho mọi trẻ sinh ra đều được sống, khỏe mạnh.

Theo đánh giá từ UNICEF, nguyên nhân tử vong sơ sinh chủ yếu là do ngạt, nhiễm trùng và đẻ non. Hiện nay, tại Việt Nam tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền và các dân tộc. Chẳng hạn như tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi ở Kon Tum cao gấp 2,6 lần tỷ lệ trung bình trong cả nước. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp ba lần trẻ em dân tộc Kinh.

Ông Youssouf Abdel-Jelil phân tích, hiện nay, phần lớn các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ đều có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp can thiệp đơn giản như có sự hỗ trợ có chuyên môn khi sinh đẻ, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và chăm sóc kiểu Kangaroo cho các trẻ bị đẻ non và nhẹ cân.

“Vì vậy, chúng ta không thể để các nguyên nhân có thể phòng ngừa và chữa trị được tiếp tục lấy đi mạng sống của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chúng ta cần phải hành động để đảm bảo rằng tất cả trẻ em được sinh ra an toàn và khỏe mạnh. Hợp tác trên sẽ cải thiện sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt cho nhóm đối tượng khó khăn nhất,”ông Youssouf Abdel-Jelil cho hay.

Trong khoảng thời gian 5 năm hợp tác, dự án sẽ giúp nâng cao năng lực cho hơn 3.000 nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản người dân tộc về kỹ năng đỡ đẻ an toàn, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, chăm sóc kiểu Kangaroo.

Các nhân viên y tế và nữ hộ sinh ở bốn tỉnh dự án cũng sẽ được hỗ trợ nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Các hoạt động truyền thông cũng được tiến hành để tạo nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng ở phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Dự án cũng nhằm mục tiêu đạt được 80% phụ nữ có thai đi khám thai ít nhất 3 lần, và góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai và Kon Tum.

Đăng nhận xét

 
Top