GuidePedia

0

Từ câu chuyện đạo nhạc trên thế giới, nhìn về Việt Nam, mấy năm gần đây, nhân vật tốn giấy mực nhất về chuyện này chắc chắn phải là Sơn Tùng MTP.

Đạo nhái chắc chắn là một hiện tượng tiêu cực dù trong bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào không riêng gì âm nhạc. Nhưng điều đáng nói là hiện nay "đạo nhạc" đang phát triển tới một mức độ mới, khó định vị hay nói cách khác là tinh vi hơn rất nhiều.

"Đạo nhạc" như một trò PR

Ngày nay, sản phẩm văn hóa đại chúng thành hay bại đôi khi nằm ở chỗ làm PR có mát tay hay không. Những năm gần đây, công chúng đã phần nào hiểu được điều này. Truyền thông tốt có thể mang lại lợi nhuận cho một bộ phim hay một ca khúc không quá xuất sắc. "Chiêu PR" thịnh hành của phim Việt là dán nhãn 16+, 18+... hay những bê bối gây sốc.

Với mảng âm nhạc, những sản phẩm đóng mác tiền tỷ hay scandal gây sốc về phát ngôn không dễ "ăn view" bằng nghi án đạo nhạc. Có hơn 935 nghìn kết quả trả về trong vòng 50 giây khi gõ cụm từ "đạo nhạc" trên Google. Rõ ràng, công chúng quan tâm tới chuyện một ca khúc mới có "dính án" hay không nhiều không kém việc thưởng thức bài hát đó.
Ca/nhạc sĩ 9X Sơn Tùng M-TP.

Trước đây, chỉ cần scandal đạo tác phẩm của người khác sự nghiệp và danh tiếng của một người có thể bị dìm xuống đáy. Trường hợp của một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng hồi đầu những năm 2000 là một ví dụ điển hình. Ông gần như không thể tiếp tục sáng tác và phải lựa chọn cách im lặng trước mọi phán xét...

Tuy nhiên, thời nay, vấn đề đạo nhạc thường nằm ở dạng "nghi án", "nghi vấn", trở thành cái vòng luẩn quẩn bàn tán giữa nghệ sĩ và công chúng. Thậm chí độ nóng sốt của vấn đề này rất có thể là một hình thức đã và đang được áp dụng để quảng bá sản phẩm. Chỉ cần biến sản phẩm của mình có mùi "đạo nhạc" là ca khúc hay MV dễ dàng lọt vào tầm ngắm của khán giả hơn. Điều này gần như đồng nghĩ với việc ca khúc dễ trở thành hit, và sau đó là lợi nhuận.

Gây hiểu nhầm

Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt ca khúc mới Remember Me. Ngay lập tức, cộng đồng fan nhạc pop Nhật Bản (fan Jpop) cho rằng anh đã đạo ca khúc Dream In The Sky của Sloth và TOC. Nghi án đạo nhạc dường như đã quá quen thuộc với nam ca sĩ này. Anti-fan gọi anh là "ông vua đạo nhái Vpop". Tuy nhiên sự việc lần này khác hơn những lần khác.

Đại diện của Sơn Tùng đã tin tuc về nghi án đạo nhạc này như sau:"Phần beat của Remember Me đã được chúng tôi mua hợp pháp từ trang web cung cấp beat Platinum Sellers Beats". Thông báo này cũng nhấn mạnh: "Nơi chính thức phổ biến độc quyền bài rap Remember Me cũng có ghi credit rõ ràng nguồn gốc của beat".

Họ cũng khẳng định chịu hoàn toàn trách nhiệm về credit trên những kênh phân phối chính thức của bài bát cũng như "Đề nghị các bạn nếu trích dẫn thông tin tôn trọng toàn bộ credit do chúng tôi cung cấp".

son-tung-dao-nhac-2

Nam ca sĩ biểu diễn trong live show đầu tiên của sự nghiệp.
Về lý, quả là dư luận đang... hiểu lầm Sơn Tùng hay nói cách khác là có phần "trách oan" anh chàng. Trước đây, những nghi án đạo nhạc của anh đều đến từ beat nhạc hao hao ca sĩ quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản). Công chúng thường đặt ra những nghi vấn, tố nam ca sĩ đạo nhạc, đạo beat. Nhưng lần này, anh đã ghi rõ nguồn beat sử dụng trong ca khúc.

Nghi án đạo nhạc thường đến trước những công bố chính thức của nhà sản xuất. Nam ca sĩ đã trình diễn ca khúc này trên sân khấu live show riêng hôm 5/12 tại TP HCM. Và dù ghi rõ nguồn gốc sử dụng thì cuối cùng đó vẫn là một sự "mượn có ý thức". Hành động này của Sơn Tùng khiến khán giả có thể đặt ra trường hợp, nam ca sĩ đang hợp thức hóa việc sử dụng beat nhạc của nghệ sĩ khác thay vì nhập nhằng không rõ ràng.

Điều đáng nói là Sơn Tùng M-TP là ca sĩ độc quyền của một trong những công ty giải trí hàng đầu Việt Nam, nơi đã từng lăng-xê những nghệ sĩ như Ưng Hoàng Phúc, HAT, We Boys... Đây cũng là nơi có đủ mọi điều kiện để Sơn Tùng có thể phát triển cá tính nghệ sĩ cũng như những sáng tạo nghệ thuật.

Nhưng tại sao anh lại lựa chọn việc sử dụng beat có sẵn và "hí họa" một vài ba lời rap? Phải chăng anh là hình mẫu của việc nghệ sĩ thích chắp vá, cách tân trên cái cũ thay vì sáng tạo hoàn toàn? Hay anh chàng là kiểu nghệ sĩ thích đùa dai "lỡ đã mang danh đạo nhạc rồi thì làm tới đi"?

Ai cũng có thể là đạo chích


Trên thế giới có không ít ca sĩ bị liệt vào dạng copycat (đạo). Lady Gaga quái dị là thế vẫn từng gây lùm xùm vì bị cho là đạo Madonna. Hay nữ giám khảo The Voice Anh - Rita Ora còn được gọi là bản sao Rihanna. Năm 2015 từ họa mi nước Anh, Adele hay nam ca sĩ người Canada - The Weeknd đều dính đến nghi vấn đạo nhạc.

Trong cuốn tài liệu The Arts and Copyright của Wipo, tác giả viết: "Đạo là hành vi sao chép tác phẩm một phần hay toàn bộ và sau đó giả bộ như mình là tác giả sáng tạo nguyên bản". Tuy tài liệu này chỉ rõ không có ý nghĩa thay cho tư vấn pháp lý nhưng công chúng được cung cấp những thông tin cơ bản.

Sơn Tùng không phải là duy nhất nhưng là trường hợp điển hình tại Việt Nam về vấn đề đạo nhạc. Mỗi lần Tùng ra mắt một sản phẩm mới là mạng xã hội lại dậy sóng với những cuộc mổ xẻ tới tận cùng từng nốt nhạc, lời ca của nam ca sĩ này giống ai.



son-tung-dao-nhac-3
Sơn Tùng bị tố đạo áo lông của G-Dragon mới đây.
Xét trên phương diện làm nghề, việc mua beat và công bố cụ thể của Sơn Tùng trong ca khúc Remember Me là hành động tích cực nếu không muốn nói là chuyên nghiệp về bản quyền. Nhưng liệu Sơn Tùng và những nghệ sĩ khác có thể dẹp bỏ những sự hiểu lầm và làm nhạc lành mạnh hơn – những sáng tạo không bị quá ảnh hưởng hay vay mượn từ nghệ sĩ khác, nền âm nhạc khác.

Những nghệ sĩ tiên phong sẽ được ca tụng, ai lười sáng tạo sẽ bị coi thường – đó là quy luật. Nhưng vấn đề giữa đạo nhạc và đạo đức, giữa đạo nhạc và... ví tiền của nghệ sĩ cũng cần được mổ xẻ và quan tâm đúng mức.

Theo tin tuc viet nam.

Đăng nhận xét

 
Top